Bối cảnh Trận_sông_Kalka

Năm 1219, nhằm trả thù cho việc sát hại các sứ thần,[3] Thành Cát Tư Hãn đem quân xâm chiếm Đế quốc Khwarezmia.[4] Chiến dịch kéo dài trong ba năm, Thành Cát Tư Hãn cùng các tướng lĩnh tiêu diệt quân đội Khwarezmia và khiến đế quốc này tan rã. Sultan của Khwarezmia là Ala ad-Din Muhammad chết bệnh trên một đảo tại biển Caspia, để lại con là Jalal ad-Din Mingburnu không có lãnh thổ.[5]

Khi Triết Biệt hay tin Ala ad-Din Muhammad từ trần, ông thỉnh cầu Thành Cát Tư Hãn cho thời hạn một hoặc hai năm để tiếp tục các cuộc chinh phục của mình trước khi về Mông Cổ qua Kavkaz.[6]

Trong khi chờ hồi đáp từ Đại hãn, Triết Biệt và Tốc Bất Đài dẫn 20.000 binh sĩ, mỗi người thống lĩnh một vạn quân.[6] Họ tiến hành hủy diệt khi đi qua Iraq Ba Tư (Iraq-i Ajam) và Azerbaijan, cướp phá các thành phố Rey, ZanjanQazvin. Thành phố Hamadan đầu hàng khi chưa chiến đấu. Trong khi đó, quân chủ của Azerbaija cứu thủ đô Tabriz và ngăn quốc gia của mình khỏi bị tiêu diệt bằng cách cung cấp cho người Mông Cổ một lượng lớn tiền, vải và ngựa.[7]

Từ Tabriz, người Mông Cổ tiến về phương bắc và lập căn cứ mùa đông của mình tại thảo nguyên Mugan. Tại đó, quân đội Mông Cổ được củng cố khi tiếp nhận các đạo tặc người KurdTurcoman, họ tự nguyện phục vụ cho người Mông Cổ.[8]

Tấn công Kavkaz

Trong khi đó, sự chú ý của Triết Biệt và Tốc Bất Đài chuyển sang nơi khác. Trong tháng 1 và tháng 2 năm 1221, họ tiến hành trinh sát Vương quốc Gruzia, tiến qua sông Kura. Mục tiêu của người Mông Cổ không phải là chinh phục quốc gia này mà là cướp bóc, và các đạo tặc người Kurd và Turcoman được phái đi tiên phong. Tuy nhiên, Quốc vương Gruzia là Giorgi IV đem theo 10.000 binh sĩ và đẩy lui người Mông Cổ gần Tbilisi. Quân Mông Cổ triệt thoái, song tiếp tục phát động phản công quân Gruzia. Quân Mông Cổ sau đó phát động tổng tiến công và đánh bại quân đội Gruzia mà Richard Gabriel cho là có đến 70.000 binh sĩ.[9]

Trong tháng 3 năm 1221, quân Mông Cổ trở về đến Azerbaijan và bao vây Maragheh, sử dụng các tù nhân làm quân tiên phong. Đến cuối tháng thì họ chiếm được thành và tàn sát hầu hết cư dân. Triết Biệt và Tốc Bất Đài lên kế hoạch tiến về phía nam và chiếm lĩnh Baghdad, thủ đô của Đế quốc Abbas, và giữ thành để đòi tiền chuộc trong lúc Khalip đang ở Iraq-i Ajam với một đạo quân nhỏ. Tuy vậy, quân Mông Cổ lại chuyển hướng sang Hamadan. Tuy nhiên, lần này nhà lãnh đạo của thành phố không đầu hàng, và các binh sĩ bảo vệ thành gây nhiều thương vong cho quân Mông Cổ trước khi họ chiếm lĩnh và cướp bóc thành phố.[10]

Cuối năm 1221, quân Mông Cổ lại tiến về phía bắc vào Gruzia, theo đường sông Kura. Một đạo quân Gruzia chờ gần Tbilisi, Tốc Bất Đài tiến đến thì giả bộ triệt thoái. Các kị binh Gruzia đuổi theo quân của Tốc Bất Đài rơi vào ổ phục kích của Triết Biệt. Quân Gruzia chịu thất bại nặng nề, và Quốc vương Giorgi IV bị thương chí mạng. Quân Mông Cổ tiến hành cướp bóc tại miền nam của Gruzia.[11]

Liên quan